Đăng bởi Hạo Hạo - TCNS | 20:08 | 16/05/2022
Công ty Điện lực Sóc Trăng triển khai các biện pháp phòng, chống say nắng, say nóng, cảm cúm thời tiết và dịch bệnh mùa hè - thu năm 2022 nhằm đảm bảo an toàn lao động và chăm lo sức khỏe cho người lao động
Hàng năm, đặc điểm khí hậu theo mùa khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, thời tiết oi bức, nhưng đôi khi lại mưa nhiều, bão lũ.
Với đặc thù công việc ngoài hiện trường của ngành Điện, người lao động trực tiếp phải thường xuyên làm việc ngoài trời trong điều kiện khí hậu thay đổi thất thường. Vì vậy, có thể xảy ra hiện tượng say nắng, say nóng hoặc cảm cúm thời tiết khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng đến an toàn trong lao động. Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang lây truyền trong cộng đồng và một số dịch bệnh lưu hành mùa hè - thu (sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, …) có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Do đó, việc đảm bảo an toàn trong lao động và chăm lo sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp trong Công ty Điện lực Sóc Trăng luôn được Lãnh đạo Công ty và Công đoàn cơ sở Công ty quan tâm sâu sát và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi thường xuyên, bố trí người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe và tạo mọi điều kiện hoàn thành tốt công việc.
Hình ảnh: Thi công Trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị sức khỏe từ mỗi cá nhân là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Để góp phần giúp người lao động nắm rõ thêm một số thông tin hữu ích khi làm việc ngoài trời, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai văn bản phổ biến đến toàn thể người lao động phòng, chống say nắng, say nóng, cảm cúm thời tiết, dịch bệnh mùa hè - thu năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp tăng cường, đảm bảo thể lực và các biện pháp về tổ chức lao động làm việc như:
1. Các biện pháp về tăng cường, đảm bảo thể lực cho CBCNV lao động:
- Công nhân trực tiếp cần có những hoạt động thư giãn lành mạnh sau một ngày làm việc nặng nhọc. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và nước cần thiết cho cơ thể khi làm việc trong điều kiện nắng nóng và giữ ấm cơ thể tránh nhiễm lạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, …. Không sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, ma túy, thuốc lá, ... làm ảnh hưởng đến tư duy và đánh giá rủi ro khi làm việc.
- Sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, giảm stress, duy trì các hoạt động thể thao để tăng cường sức bền và tiêm các loại vắc xin cần thiết phòng tránh dịch bệnh, bệnh tật, .... Luôn giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng, bài tập Yoga và khí công Himalaya của EVN, EVN SPC và Công ty đã phổ biến thực hiện tại địa chỉ: https://www.evn.com.vn/camnangcssk/
- Vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ, sử dụng bảo hộ lao động nghiêm ngặt khi làm việc trong điều kiện thời tiết nặng nhọc, …
2. Các biện pháp về tổ chức lao động làm việc trong những ngày nắng nóng, tránh say nắng, say nóng hay mưa nhiều tránh nhiễm siêu vi, cảm cúm thời tiết:
- Lập kế hoạch công tác hàng tuần để đăng ký thời gian cắt điện và bắt đầu làm việc sớm.
- Triển khai sớm sinh hoạt an toàn trước khi công tác (nhất là công tác lớn) có thể trước ngày thực hiện công tác. Khi sinh hoạt an toàn hàng ngày và trước khi thực hiện công tác tất cả CBCNV phải hiểu rõ hiện trạng lưới điện nơi công tác và các biện pháp an toàn, ngăn ngừa rủi ro tai nạn đối với công việc được phân công.
- Bố trí và phân công công tác hợp lý, tránh trường hợp người lao động làm việc quá giờ lao động hoặc bố trí công tác nặng nhọc nhiều ngày liền. Trước khi ra hiện trường, người chỉ huy phải kiểm tra tình trạng sức khoẻ, tâm sinh lý lao động của nhân viên đơn vị công tác để phân công công việc phù hợp.
- Thực hiện nghiêm chế độ trực ca quản lý vận hành, xử lý sự cố lưới điện và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra và thực hiện nghiêm theo chế độ kiểm tra về công tác an toàn lao động tại hiện trường và công tác quản lý ATVSLĐ theo hướng dẫn của Tổng công ty Điện lực miền Nam.
- Đối với xử lý sự cố, người thực hiện phải nắm vững quy định xử lý sự cố. Kiểm tra và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ an toàn.
- Định kỳ hàng quý phổ biến lại phương án phòng chống tai nạn lao động; phương án cấp cứu tại chỗ đến tất cả CBCNV nắm và thực hiện. Trong đó lưu ý kỹ cách nhận biết và cách sơ cấp cứu trong trường hợp khi bị say nắng, say nóng:
Ảnh: Một số biểu hiện đặc trưng của say nắng, say nóng
Ảnh: Các biện pháp sơ cứu khi xảy ra say nắng, say nóng
Ngoài các biện pháp tăng cường sức khỏe và làm việc, người lao động cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bệnh lưu hành mùa hè – thu, theo từng thời kỳ để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đảm bảo công tác hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu của đơn vị và chỉ tiêu chung của toàn Công ty Điện lực Sóc Trăng./.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng