Đăng bởi P.KHVT PCST | 09:53 | 11/04/2017
Kể từ năm 2011: Diện tích nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng có sự dịch chuyển về cơ cấu giống vật nuôi (từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng) và diện tích nuôi tôm phát triển ngoài quy hoạch không ngừng gia tăng, chủ yếu các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đưa vào sản xuất. Thực tế hạ tầng về nguồn điện chưa thể đáp ứng tức thời nhu cầu trong việc phục vụ hoạt động nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy sản của người dân, nguồn điện chưa ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, nhất là vào thời điểm vụ nuôi chính đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy sản của người nuôi.
Với các nỗ lực đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn Tỉnh đến nay, tình hình cấp điện đã được cải thiện đáng kể, tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây đã được tập trung khắc phục, sản lượng cung cấp đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm, góp phần hỗ trợ nhân dân giảm chi phí đầu vào rất nhiều khi nuôi tôm chạy quạt bằng điện so với sử dụng xăng, dầu để chạy máy nổ để chạy quạt nước, cụ thể:
- Dự án Cấp điện cho các khu vực nuôi tôm nước lợ huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu năm 2014 có tổng vốn đầu tư là 25 tỷ đồng, khối lượng bao gồm nâng cấp và xây dựng mới 39,1km ĐDTT.
- Dự án Thành phần cải tạo, nâng cấp và Phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 3 (DPL3): Có tổng vốn đầu tư 187,5 tỷ đồng. Khối lượng đầu tư: Cải tạo và xây dựng mới 139,4 km ĐDTT, 408,1 km ĐDHT, 338 trạm biến áp có tổng dung lượng 38.185 kVA (bao gồm thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng, các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung)....
Năm 2016, tổng diện tích nuôi thủy sản là 69.254 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 54.797,2 ha, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Cùng với việc dự án DPL3 hoàn tất và đưa vào vận hành vào quý I/2016 đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng diện tích nuôi thủy sản sớm vượt kế hoạch năm, giải quyết cấp điện cho 1.727 hộ nuôi tôm.
(Ảnh minh họa)
Trong thời gian tới đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện trong giai đoạn đến năm 2020, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã khảo sát, đề xuất nhu cầu đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để trình đề án Tổng công ty Điện lực miền Nam phê duyệt vốn đầu tư khối lượng dự kiến: Đường dây trung thế: Cải tạo, nâng cấp: 20,51 km, xây dựng mới: 181,06 km; Đường dây hạ thế: Cải tạo, nâng cấp: 635,40 km; xây dựng mới: 284,30 km; phần TBA: 213 trạm/24.587,5 kVA dung lượng trạm biến áp lắp mới và nâng công suất 588 trạm/68.190 kVA.
Việc đầu tư, phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp là bước đi chủ động, góp phần thúc đẩy nuôi trồng thuỷ sản phát triển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Công ty Điện lực Sóc Trăng, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương Tỉnh nhà./.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng