Đăng bởi | 07:39 | 10/03/2014
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi hình thức kinh doanh từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng nhưng chưa có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho nhu cầu nuôi tôm dẫn đến nhu cầu về điện tăng cao. Người dân đã tự ý kéo điện 01 pha (phía sau công tơ thắp sáng sinh hoạt) sử dụng cho mục đích nuôi tôm và làm quá tải cục bộ hàng loạt các trạm biến áp công cộng trên địa bàn. Tính riêng trong năm 2013, khi mùa vụ bước vào cao điểm tại địa bàn các huyện: Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú và Thị xã Vĩnh Châu có 213 trạm biến áp bị quá tải, cần tăng cường công suất để giải quyết cấp điện cho 1.316 khách hàng.
Công nhân PC Sóc Trăng thi công trạm biến áp 1 pha cấp điện cho khách hàng
Nhằm khắc phục tình trạng quá tải, Công ty Điện lực Sóc Trăng (PC Sóc Trăng) đã thực hiện tăng cường công suất 141 trạm biến áp với giá trị đầu tư trên 13,3 tỷ đồng. Dù vậy, tình trạng quá tải vẫn tiếp tục diễn ra. Với những khó khăn nêu trên, PC Sóc Trăng đã tư vấn và vận động các khách hàng có nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho việc nuôi tôm tự đầu tư lắp trạm biến áp riêng để sử dụng. Và đã có 254 khách hàng tự nguyện đầu tư lắp trạm biến riêng với tổng giá trị là 30,1 tỷ đồng. Việc này đã góp phần rất lớn trong việc giảm quá tải cục bộ tại các trạm công cộng trong khu vực có nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Công ty đã trực tiếp làm việc và đề nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các trạm biến áp.
Để ề đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phụ tải phục vụ khu vực nuôi tôm nước lợ cần có sự quản lý, quy hoạch tổng thể của địa phương gắn với việc huy động nguồn vốn từ Trung ương, ngành Điện và của nhân dân để đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ nhằm đảm bảo việc nuôi tôm của người dân ổn định và phát triển.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Sóc Trăng, mạng lưới điện cần đầu tư nâng cấp, cải tạo để phục vụ nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong năm 2014 khoảng 338 km đường dây (gồm 95km đường dây trung thế và 243km đường dây hạ thế cùng 216 trạm biến áp) với, tổng số vốn đầu tư trên 85 tỉ đồng. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo 52 km đường dây trung thế, gần 156 km đường dây hạ thế, 138 trạm biến áp với tổng số vốn đầu tư trên 54 tỉ đồng để phục vụ cho hơn 7.100 héc ta diện tích nuôi tôm. |
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng