Đăng bởi | 02:05 | 04/09/2013
Tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực
Sự cần thiết sửa đổi Luật:
Về Quy hoạch phát triển điện lực:
- Nội dung của Quy hoạch phát triển điện lực của các quận/huyện/thị xã và thành phố thuộc tỉnh/thành phố do UBND cấp tỉnh phê duyệt hầu hết đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư lưới điện phân phối và tính toán giá điện cho các Công ty phân phối điện chồng chéo với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho giai đoạn năm (05) năm, nhưng trong thực tế việc lập và phê duyệt thường kéo dài hơn một (01) năm nên thực chất chỉ có bốn (04) năm thực hiện.
Về giá điện:
- Trong quá trình thực thi Luật, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa bảo đảm tính kịp thời so với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Giá bán điện bình quân ngày càng thấp hơn với già thành sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào, nên chưa đáp ứng yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện khi thị trường nguyên, nhiên liệu và các điều kiện thủy văn biến động lớn; chưa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải, phân phối điện; chưa tạo động lực cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
- Ngoài ra, một số nội dung khác của Luật điện lực như giấy phép hoạt động điện lực, nội dung điều tiết điện lực, thanh tra chuyên ngành điện lực… cũng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi khách quan trong ngành Điện và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Hiệu lực thi hành: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2013
Các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
- Quy hoạch phát triển điện lực
- Đầu tư phát triển điện lực
- Tổ chức kiểm toán năng lượng theo định kỳ
- Hình thành, phát triển thị trường điện lực
- Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn
- Giấy phép hoạt động điện lực
- Quyền và nghĩa vụ của đơn vị hoạt động điện lực
- Bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện
- Quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện
Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan nhiều đến các đơn vị phân phối điện:
- Điều 8. Quy hoạch phát triển điện lực: … Không còn thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực các quận/huyện/thị xã và thành phố thuộc tỉnh/thành phố vì đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo (so với trước đây là 5 năm).
- Điều 8a. Nội dung quy hoạch phát triển điện lực: … Cần phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai; có quỹ đất cho công trình điện lực; có cơ chế chính sách, giải pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch.
- Điều 11. Đầu tư phát triển điện lực: … Đối với dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép (so với trước đây là được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép).
- Điều 23. Thanh toán tiền điện: … Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 2 lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện (so với trước đây là ba lần).
- Điều 24. Đo đếm điện: … Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường (so với trước đây là phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam).
- Điều 29. Chính sách giá điện:
- Bổ sung: Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
- Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội… (so với trước đây là thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng).
- Bổ sung vào Điều 30. Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực.
- Điều 31. Giá điện và các loại phí: Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định… (so với trước đây là Cơ quan điều tiết điện lực xây dựng Biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
- Bổ sung Điều 59a. Xử lý sự cố điện: 1. Trường hợp xảy ra sự cố điện, đơn vị điện lực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật; 2. Trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp ứng phó phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
- Điều 62. Giá bán lẻ điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo (bổ sung cụm từ biên giới): … Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được thực hiện như sau: a) Giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định; b) Các loại giá điện khác do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực.
(Theo: Ban QHCĐ - EVN SPC )