Đăng bởi | 09:07 | 20/04/2011
VÙNG SÂU SÓC TRĂNG - LUNG LINH ÁNH ĐIỆN
Khởi đầu cuộc hành trình "về với điện vùng sâu" tôi đến Cồn Cò (ấp An Tấn), xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, đây là một trong hai ấp cuối cùng của tỉnh Sóc Trăng có điện sử dụng. Với tôi, mỗi lần về với vùng sâu, vùng xa là mỗi lần cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” đến lạ kỳ của các thôn xóm, trong đó điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự phát triển của dòng điện. Điện đã thực sự trở thành món quà tinh thần vô giá cho người dân xứ Cồn. Biết tôi đang tìm hiểu về nguồn điện về đến vùng sâu, nhiều bà con chân tình cởi mở: “Cả đời chúng tôi, có mơ cũng không dám nghĩ ở cái xứ Cồn ngăn sông cách trở này lại có điện sử dụng”.
Tôi cùng đồng chí Võ Tấn Đạt - Bí thư Chi bộ ấp An Tấn dạo quanh một vòng trên địa bàn ấp, ghé vào nhà cụ ông Võ Văn Sanh, 83 tuổi một “lão nông tri điền” sinh sống “cố cựu” trên vùng đất này. Cụ Sanh mời chúng tôi vào nhà, thấy tôi hơi lạ cụ Sanh hỏi tiếp: Bây đi với ai vậy? tìm cụ có gì không?! “Con đi với Phóng viên Nhà báo để tìm hiển về niềm vui của bà con mình khi có lưới điện quốc gia sử dụng!” - Chú Đạt trả lời. Cụ Sanh phấn khởi cho biết: “Bà con vui quá đi chớ! Các chú báo biết không, có điện rồi bà con ở cái xứ cồn này vui mừng lắm, bởi vì từ đây bà con được sáng cái đầu, no cái bụng, điện đem ánh sáng cho trẻ con trên cồn được học hành trong điều kiện tốt hơn, người già như cụ được nghe đài, xem tivi, điện còn dùng để tưới cây trồng và phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân được thuận tiện hơn rất nhiều”. Chậm rãi vừa rót ly trà mời khách, chỉ tay về phía kệ để ti-vi, cụ Sanh hồ hở khoe: “Mới đây, khi hay tin ở quê mình có điện, thằng con của cụ làm ở Khu du lịch Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) liền sắm cái ti-vi mới toanh gởi về. Đối với cụ, đây là một món quà vô giá”. Cầm cái “rờ-mốt” trên tay đang “rị mọ” dò xem đài cụ Sanh phấn khởi nói tiêp: “Giờ đây cụ có thể xem ti-vi “xả láng” rồi không còn phải sợ cái cảnh hết bình giữa chừng như lúc trước nữa, thật sự vui lắm!”. Khi được hỏi, điện đi vào cuộc sống của bà con nơi đây như thế nào, chú Đạt khẳng định ngay: “Từ ngày có điện đến giờ, đời sống của 227 hộ dận ở Cồn Cò này đã phong phú đa và dạng hơn. Điện làm cho tình làng nghĩa xóm nơi này thêm đậm đà khăng khít, chấm dứt được cái cảnh "đèn nhà ai, rạng nhà ấy". Bởi lẽ, mọi người đều có chung trách nhiệm đóng góp công sức của mình vào việc bảo vệ lưới điện trên địa bàn thôn xóm”. Nhìn những trụ điện cao vút do Nhà nước đầu tư và qua lời tâm sự của cụ Sanh, chú Đạt, tôi hiểu được giá trị của nguồn điện mang lại và niềm khát vọng của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đồng chí Bí thư Chi bộ ấp nói tiếp: "Chỉ với hai năm gần đây mà bà con quê tôi được hưởng đến hai niềm vui lớn. Có đường giao thông nông thôn thông thoáng do Nhà nước đầu tư nối liền từ đầu cho đến cuối đuôi Cồn, giúp bà con mở mang tầm nhìn, thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hóa, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Bây giờ lại có điện về thắp sáng làng quê, đồng bào vô cùng cảm ơn Ðảng và Nhà nước".
Rời Kế Sách, tiếp theo cuộc hành trình "về với điện vùng sâu" tôi đến huyện đảo Cù Lao Dung. Cũng như bà con trên địa bàn tỉnh, bà con huyện đảo Cù lao cũng hân hoan đón dòng điện tỏa về khắp thôn xóm. Lúc chiến tranh, Cù Lao Dung là chiếc nôi cách mạng của tỉnh Sóc Trăng, nơi đây đã từng nuôi dưỡng cán bộ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Vào những năm đầu tái lập tỉnh nơi đây rất hoang sơ, đa phần nhân dân sinh sống bằng nghề nông; chưa có cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông nơi rất hạn chế, dân cư sinh sống thưa thớt, đời sống nhân dân rất khó khăn. Lúc bấy giờ, Điện Lực Sóc Trăng (nay là Công ty Điện lực Sóc Trăng) đã tham mưu cho lãnh đạo UBND Tỉnh ưu tiên chọn xã điện khí hoá, đặc biệt là những xã có nhiều đóng góp cho thành quả cách mạng, được cấp trên thống nhất, tập trung mọi nguồn vốn Trung ương, địa phương đưa lưới điện quốc gia vượt sông Hậu về đất Cù lao, biến ước mơ của nhân dân Cù Lao Dung thành hiện thực. Năm 1998, dòng điện đầu tiên đã vượt con sông Hậu về đến Cù Lao Dung, cung cấp điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, tạo điều kiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Nhớ lại những ngày ấy, nhiều cụ già hơn 80, 90 tuổi trên địa bàn huyện, nhìn thấy ánh điện đã xúc động nói: “Cả đời người giờ đây mới được nhìn thấy ánh điện, điện là mơ ước của tất cả đồng bào vùng sâu, vùng xa. Giấc mơ ấy chỉ có Đảng, Bác Hồ mới có thể đem lại”. Có được điện, bộ mặt làng quê nơi này thay đổi hẳn và ngày 19-5 hàng năm, mừng sinh nhật Bác Hồ tại đền thờ Bác trên địa bàn huyện cũng được tổ chức trong không khí trang nghiêm và ấm cúng hơn.
Vào những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang náo nức đón chào kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4), tại các khu vực nông thôn ở Sóc Trăng, những người thợ điện vẫn hối hả gấp rút hoàn thành các công trình điện khí hoá, mang ánh sáng công nghiệp phục vụ bà con vùng nông thôn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của thế hệ hôm nay đối với đồng bào nghèo vùng căn cứ cách mạng, vốn đã chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Ðây là sự đầu tư mang nhiều ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Giờ đây, mỗi khi màn đêm buông xuống là hàng ngàn ngọn đèn trong các thôn xóm cùng bừng lên, thắp sáng niềm tin, thoả mãn lòng mong mỏi của bà con vùng nông thôn bao đời nay luôn khát khao ánh điện. Điện đã góp một phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Từ nay, cuộc sống nghèo đói nghèo của bà con sẽ không còn nữa, thay vào đó là cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp - văn minh.
Quang Bình